Chênh lệch giữa giá cước vận chuyển bằng đường biển và đường hàng không đang thu hẹp
(IPL) Vận tải hàng không đang trở nên hấp dẫn với các khách hàng khi giá cước vận tải biển tăng cao, trong khi thời gian vận chuyển kéo dài. Tuy nhiên, Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế vẫn có cái nhìn thận trọng về sự tăng trưởng của ngành.
Nhu cầu vận tải hàng không tăng cùng với xu hướng giá cước vận tải biển
Trong nửa đầu năm 2024, trước bối cảnh xung đột ở khu vực Trung Đông vẫn chưa có hồi kết, đồng thời các nhà nhập khẩu châu Âu, Mỹ, cũng như Trung Quốc phải đẩy mạnh tích trữ hàng hoá/nguyên liệu trước nguy cơ leo thang căng thẳng dẫn tới thời gian vận chuyển tăng lên, đồng thời nhu cầu vận chuyển tăng đột biến trở lại.
Với việc thời gian vận chuyển kéo dài hơn trong khi nhu cầu vận tải hàng hoá bằng đường biển tăng trở lại dẫn tới tình trạng khan hiếm container, đồng thời đẩy giá cước vận tải tăng cao. Trong đó, theo Freightos, chi phí vận chuyển trung bình trên toàn thế giới của một container 40 feet đạt 4.988 USD vào cuối tuần trước, gấp hơn 5 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Giá cước vận chuyển đường biển đã tăng đáng kể kể từ cuối tháng 6 lên 8.200 USD/container 40 feet từ châu Á đến bờ biển phía tây Bắc Mỹ và 9.300 USD/chiếc đến bờ biển phía đông Bắc Mỹ, phản ánh mức giá tăng đột biến trong cuộc khủng hoảng Covid-19. Nhu cầu mùa cao điểm trùng với những hạn chế về năng lực ở Biển Đỏ đã đẩy giá cước giao ngay trên tuyến châu Á đến Bắc Mỹ cao hơn 60% so với mức đỉnh tháng 2, trong khi giá cước từ châu Á đến Bắc Âu cao hơn 80% so với mức đỉnh ghi nhận vào tháng 1.
Bên cạnh giá cước vận tải đường biển tăng, trong nửa đầu năm 2024, thị trường cũng ghi nhận giá cước và khối lượng vận chuyển bằng đường hàng không tăng.
Theo công ty theo dõi thị trường vận tải hàng hóa Xeneta, khối lượng hàng hoá được vận chuyển bằng đường hàng không trong tháng 6 đã tăng 13% so với cùng kỳ năm ngoái trong khi nguồn cung vận chuyển chỉ tăng 3%. Đây là tháng thứ 7 liên tiếp mà trọng lượng tính cước ghi nhận mức tăng trưởng hai con số, nhấn mạnh sự phục hồi rõ rệt sau 18 tháng suy thoái.
Vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không tiếp tục được thúc đẩy nhờ hoạt động giao hàng trực tiếp đến người tiêu dùng từ Trung Quốc cho các nền tảng bán lẻ của Trung Quốc và Mỹ cũng như những tác động lan tỏa từ các cuộc xung đột ở Biển Đỏ.
Thực tế, việc xung đột tại khu vực Trung Đông đang khiến các bên vận chuyển phải chuyển một số chuyến hàng sang đường hàng không hoặc kết hợp vận chuyển đường biển-đường hàng không qua các trung tâm ở Tây Nam Á hoặc Trung Đông. Các nhà cung cấp dịch vụ hậu cần báo cáo điều kiện thời tiết khắc nghiệt trong tuần này gần Mũi Hảo Vọng đã gây ra sự chậm trễ hơn nữa cho các tuyến container do tàu thay đổi lộ trình hoặc tìm nơi trú ẩn khỏi gió lớn và sóng. Công suất có thể bị ảnh hưởng hơn nữa nếu tình trạng này kéo dài hơn một vài ngày.
Theo một số ước tính, 20% khối lượng hàng hóa vận chuyển bằng đường hàng không trên toàn cầu liên quan tới thương mại điện tử. Thị phần thương mại điện tử thậm chí còn cao hơn trên các tuyến xuất khẩu chính từ châu Á đến châu Âu và Bắc Mỹ trong nửa đầu năm 2024.
Khoảng cách giữa giá cước vận chuyển bằng hàng không và vận tải biển đang thu hẹp
Với giá cước đường biển tăng nhanh hơn nhiều so với đường hàng không, sự khác biệt về chi phí giữa các phương thức vận tải đang được thu hẹp. Phân tích từ công ty tư vấn vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không Rotate cho thấy, giá cước vận tải hàng không hiện chỉ gấp 6 lần đường biển – mức chênh lệch nhỏ nhất kể từ quý III/2022 – so với mức cao hơn 12 – 15 lần trong điều kiện bình thường những năm trước.
Điều này khiến hàng hóa vận chuyển bằng đường hàng không trở thành một lựa chọn hấp dẫn hơn cho các doanh nghiệp và nó cũng thúc đẩy giá vận chuyển hàng không tăng lên. Trong đó, giá cước vận chuyển bằng đường hàng không giao ngay trung bình toàn cầu đã tăng đáng kể trong vòng hai tháng qua. Theo TAC Index, chi phí vận tải hàng không cao hơn 13% so với cùng kỳ năm trước. Theo Freightos, giá cước từ Trung Quốc cao hơn nhiều so với mức bình thường và hiện ở mức khoảng 5,6 USD/kg đến Bắc Mỹ và 3,38 USD/kg đến châu Âu. Chi phí vận chuyển từ các sân bay Trung Đông đến châu Âu đã tăng 10% trong tuần qua, có thể là một dấu hiệu cho thấy sự gián đoạn ngày càng tồi tệ trên đường biển có thể đẩy thêm khối lượng hàng hóa được vận chuyển bằng đường hàng không tăng lên trong thời gian tới.
Được biết, việc vận chuyển bằng hàng không bên cạnh được thúc đẩy mạnh mẽ từ lĩnh vực thương mại điện tử, hiện nay nhiều công ty đang đẩy mạnh các đơn đặt hàng vào mùa thu (tích trữ hàng hoá) để giảm thiểu nguy cơ hàng hoá đến muộn liên quan đến thời gian vận chuyển đường biển dài hơn và tắc nghẽn cảng do các tuyến đường vòng quanh Biển Đỏ và mối đe dọa về một cuộc đình công của công nhân tại các cảng Bờ Đông Mỹ vào mùa thu này.
Vì vậy, khi chênh lệch giữa giá cước vận tải bằng đường hàng không và vận tải đường biển ngày một thu hẹp, đang có sự dịch chuyển sang sử dụng vận tải bằng đường hàng không.
Vẫn chưa thể lạc quan
Bất chấp sự phục hồi đáng ngạc nhiên của nhu cầu vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không trong nửa đầu năm, Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) dự báo doanh thu vận chuyển hàng hóa cả năm của các hãng hàng không sẽ giảm do công suất liên quan đến tăng trưởng vận chuyển hành khách đang vượt quá khối lượng vận chuyển hàng hoá và gây áp lực giảm sản lượng.
Trong đó, việc các nhà nhập khẩu đẩy mạnh tích trữ hàng hoá trước khả năng căng thẳng leo thang giữa Trung Quốc và châu Âu, Mỹ, điều này có thể dẫn tới nhu cầu vận chuyển hàng hoá chững lại trong thời gian tới khi mà lượng tồn kho hàng hoá lớn chưa tiêu thụ, các nhà nhập khẩu có thể sẽ chậm lại trong việc nhập hàng mới.
Vào tháng trước, IATA đã dự đoán lưu lượng vận tải hàng không sẽ tăng 5% vào năm 2024 (tăng so với ước tính trước đó là 4,5%) trong khi công suất sẽ tăng 8,6%. Sự mất cân bằng cung cầu – phản ánh sự quay trở lại mô hình trước đại dịch – dự kiến sẽ làm giảm giá cước vận chuyển trung bình 17,5%.
IATA cho biết, doanh thu từ vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không sẽ giảm 13% so với cùng kỳ năm ngoái xuống còn 120 tỷ USD do sản lượng thấp hơn. Sản lượng và doanh thu cao được tạo ra nhờ tình trạng thiếu năng lực nghiêm trọng và những hạn chế về chuỗi cung ứng trong thời kỳ đại dịch, điều này đã đảo ngược với sự phục hồi mạnh mẽ của năng lực vận chuyển hành khách. Mặc dù vậy, tốc độ giảm doanh thu là khiêm tốn hơn nhiều so với mức giảm 33% vào năm 2023.
Liệu nhu cầu vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không có tăng hay không vẫn là một câu hỏi mở. Các yếu tố có lợi cho vận tải hàng không bao gồm mở rộng sản xuất toàn cầu, nhưng tốc độ tăng trưởng không đồng đều trên toàn thế giới và thực sự tăng với tốc độ chậm hơn trong tháng 6, trong khi số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới cho thấy sự sụt giảm đầu tiên sau 3 tháng. Lạm phát cũng ghi nhận một bức tranh hỗn hợp trong tháng 5, với sự sụt giảm ở Liên minh châu Âu và Nhật Bản và mức tăng giá liên tục ở Mỹ vẫn cao hơn mục tiêu của chính phủ.
Nguồn : Đầu tư chứng khoán
Xem thêm
Chuyển phát nhanh từ Việt Nam đi Malina, Philippin nhanh chóng nhất
Dịch vụ khai báo hải quan hàng cargo tại ACSV của Indochinapost
Dịch vụ khai hải quan tại SCSC
Dịch vụ khai hải quan tại Hà Nội
Đại lý vận tải hàng không chuyên nghiệp