BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI |
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1865/1999/QĐ-BGTVT |
Hà Nội, ngày 30 tháng 7 năm 1999 |
QUYẾT ĐỊNH
CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI SỐ 1865/1999/QĐ-BGTVT NGÀY 30 THÁNG 7 NĂM 1999 BAN HÀNH THỂ LỆ VẬN CHUYỂN, XẾP DỠ, GIAO NHẬN VÀ BẢO QUẢN HÀNG HOÁ ĐƯỜNG THUỶ NỘI ĐỊA
BỘ TRƯỞNG BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
Căn cứ Nghị định số 22/CP ngày 22 tháng 3 năm 1994 của Chính phủ quy định nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm quản lý nhà nước và cơ cấu tổ chức bộ máy của Bộ Giao thông Vận tải;
Xét đề nghị của ông Vụ trưởng Vụ Pháp chế – Vận tải và ông Cục trưởng Cục Đường sông Việt Nam,
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Thể lệ vận chuyển, xếp dỡ, giao nhận và bảo quản hàng hoá đường thuỷ nội địa”.
Điều 2. Quyết định này thay thế Quyết định số 1035 QĐ/VT ngày 12 tháng 6 năm 1990 của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải và Bưu điện; có hiệu lực thi hành sau 30 ngày kể từ ngày ký.
Điều 3. Các ông Chánh Văn phòng Bộ, Vụ trưởng Vụ Pháp chế – Vận tải, Cục trưởng Cục Đường sông Việt Nam, các Giám đốc Sở Giao thông Vận tải ( Sở Giao thông Công chính), Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức và mọi cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
Đào Đình Bình (Đã ký) |
BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI |
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
THỂ LỆ
VẬN CHUYỂN, XẾP DỠ, GIAO NHẬN VÀ BẢO QUẢN HÀNG HOÁ ĐƯỜNG THUỶ NỘI ĐỊA
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1865/1999/QĐ-BGTVT ngày 30 tháng 7 năm 1999 của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải)
Chương 1
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Mục đích, đối tượng, phạm vi áp dụng
1- Mục đích: Thể lệ này quy định các nguyên tắc về kinh doanh vận chuyển, xếp dỡ, giao nhận và bảo quản hàng hoá đường thuỷ nội địa; xác định quyền và nghĩa vụ của các tổ chức, cá nhân liên quan.
2- Đối tượng áp dụng: Thể lệ này áp dụng cho các tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế, kể cả các tổ chức, cá nhân nước ngoài đã được phép kinh doanh vận chuyển, xếp dỡ, giao nhận, bảo quản hàng hoá tại nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam .
3- Phạm vi áp dụng: Thể lệ này được áp dụng đối với việc vận chuyển, xếp dỡ, giao nhận, bảo quản hàng hoá trên đường thuỷ nội địa nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam; liên vận hàng hoá trong nước và quốc tế nếu không trái với điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc tham gia.
Việc vận chuyển, xếp dỡ, giao nhận, bảo quản hàng hoá nguy hiểm có quy định riêng.
Điều 2. Giải thích từ ngữ
Trong thể lệ này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1- “Người vận chuyển” là tổ chức, cá nhân dùng phương tiện thuỷ nội địa thuộc sở hữu của mình hoặc thuê phương tiện thuộc sở hữu của người khác để kinh doanh vận chuyển hàng hoá trên đường thuỷ nội địa .
2- “Người thuê vận chuyển” là tổ chức, cá nhân ký kết hợp đồng thuê vận chuyển hàng hoá hàng hoá bằng phương tiện thuỷ nội địa.
3- “Người xếp dỡ, giao nhận, bảo quản hàng hoá” là tổ chức, cá nhân ký hợp đồng nhận xếp dỡ, giao nhận, bảo quản hàng hoá tại cảng, bến thuỷ nội địa (trong Thể lệ này gọi chung là cảng).
4- “Người thuê xếp dỡ, giao nhận, bảo quản hàng hoá” là tổ chức, cá nhân ký hợp đồng thuê xếp dỡ, giao nhận, bảo quản hàng hoá.
5- “Người giao hàng” là người trực tiếp giao hàng cho người vận chuyển và ký tên trong Giấy vận chuyển.
6- “Người nhận hàng” là tổ chức, cá nhân nhận hàng ghi trên Giấy vận chuyển.
7- “Người thuê phương tiện” là tổ chức, cá nhân ký hợp đồng thuê phương tiện để tổ chức vận chuyển.
8- “Người đại lý” là tổ chức, cá nhân được uỷ quyền ký kết hoặc thực hiện hợp đồng vận chuyển, xếp dỡ, giao nhận, bảo quản hàng hoá. Người uỷ quyền có thể uỷ quyền toàn bộ hoặc một phần công việc và phải trả cho người được uỷ quyền chi phí đại lý do hai bên thoả thuận trong hợp đồng, nếu pháp luật không quy định.
9- “Giấy vận chuyển” là bằng chứng về việc người vận chuyển đã tiếp nhận hàng hoá để vận chuyển; là chứng từ để thanh toán cước phí vận chuyển và là cơ sở pháp lý để giải quyết tranh chấp về hàng hoá trong quá trình vận chuyển.
10- “Hàng siêu trọng” là loại hàng nguyên kiện không tháo rời được có trọng lượng từ 20 tấn trở lên ( trừ container).
11- “Hàng siêu trường” là loại hàng có chiều dài trên 12 mét hoặc chiều rộng trên 4 mét hoặc chiều cao trên 3,5 mét.
12- “Trường hợp bất khả kháng” là trường hợp xảy ra do thiên tai, dịch bệnh, địch hoạ, tắc luồng vận chuyển.
13- ” Hàng nguy hiểm” là các loại chất độc, dễ cháy, dễ nổ gây nguy hiểm cho người, phương tiện và môi trường.
Điều 3. Ký kết hợp đồng
1. Mọi hoạt động kinh doanh vận chuyển, xếp dỡ, giao nhận, bảo quản hàng hoá và các dịch vụ liên quan khác trước khi thực hiện phải ký kết hợp đồng theo quy định của pháp luật về hợp đồng.
2. Các bên có thể thoả thuận trong hợp đồng về việc tham gia bảo hiểm của mỗi bên.
Chương 2
VẬN CHUYỂN HÀNG HOÁ
Điều 4. Giấy tờ cần thiết trong quá trình vận chuyển
1- Người vận chuyển có trách nhiệm chuẩn bị đầy đủ các giấy tờ liên quan đến phương tiện theo quy định của pháp luật hiện hành.
2- Người thuê vận chuyển phải chuẩn bị đầy đủ giấy tờ có giá trị pháp lý về hàng hoá. Trường hợp thuê vận chuyển những loại hàng hoá quý hiếm, người thuê vận chuyển phải có bảo hiểm hàng hoá.
3- Sau khi nhận hàng xuống phương tiện, người vận chuyển phải lập Giấy vận chuyển ít nhất thành 3 bản, một bản giao cho người thuê vận chuyển, một bản giao cho người nhận hàng và một bản người vận chuyển giữ. Trường hợp cần sử dụng, người vận chuyển có thể lập thêm 1 đến 2 bản.
4- Giấy vận chuyển phải bao gồm các nội dung chính sau :
– Người vận chuyển;
– Người thuê vận chuyển;
– Người nhận hàng;
– Địa điểm giao hàng và người giao hàng;
– Địa điểm trả hàng;
– Loại hàng được vận chuyển ( tính chất hàng hoá, số lượng, khối lượng, chất lượng và giá trị hàng hoá );
– Tiền cước vận chuyển và các chi phí khác ( nếu có);
– Xác nhận của người vận chuyển về tình trạng hàng hoá nhận vận chuyển;
– Các chi tiết khác mà người vận chuyển và người thuê vận chuyển thoả thuận ghi vào Giấy vận chuyển.
Các thông tin liên quan đến hàng hoá ghi trong Giấy vận chuyển do người thuê vận chuyển cung cấp. Người thuê vận chuyển phải chịu trách nhiệm hoàn toàn về sự chính xác của các thông tin đó. Nếu người thuê vận chuyển khai báo không chính xác dẫn đến thiệt hại thì phải chịu hoàn toàn trách nhiệm.
5- Trong quá trình vận chuyển, nếu các giấy tờ không đầy đủ hoặc không hợp lệ mà gây ra thiệt hại thì bên liên quan đến giấy tờ đó phải chịu trách nhiệm.
Điều 5. Điều kiện phương tiện vận chuyển hàng hoá
1- Người vận chuyển phải chuẩn bị phương tiện đầy đủ điều kiện an toàn theo quy định hiện hành và thích hợp với loại hàng cần vận chuyển.
2- Người thuê vận chuyển có quyền từ chối, nếu phương tiện không đủ điều kiện đã thoả thuận trong hợp đồng .
3- Phương tiện chỉ nhận và trả hàng tại các cảng đã được cơ quan có thẩm quyền cấp phép, trừ các trường hợp quy định tại Điều 8 của Thể lệ này.
Điều 6. Quan hệ giữa người vận chuyển và người thuê vận chuyển tại cảng.
1- Phương tiện đến cảng xếp, dỡ hàng.
Trước khi phương tiện đến cảng và khi phương tiện đã làm xong thủ tục nhập cảng, người vận chuyển phải thông báo cho người thuê vận chuyển biết. Thời điểm thông báo do hai bên thoả thuận trong hợp đồng.
2- Khi xếp, dỡ hàng:
a- Người vận chuyển chuẩn bị phương tiện sẵn sàng và cử người cùng tham gia với người giao nhận hàng .
b- Người thuê vận chuyển cử đại diện để giao nhận hàng tại phương tiện.
c- Căn cứ năng suất xếp, dỡ của cảng, người vận chuyển và người thuê vận chuyển thoả thuận thời gian giải phóng phương tiện và ghi vào hợp đồng.
d- Thời gian giải phóng phương tiện được tính từ khi người vận chuyển làm xong thủ tục nhập cảng và báo cho người thuê vận chuyển biết cho đến khi làm xong thủ tục giao nhận hàng hoá. Nếu phương tiện lưu tại cảng quá thời hạn quy định trong hợp đồng thì người thuê vận chuyển phải chịu chi phí chờ đợi. Mức chi phí do hai bên thoả thuận trong hợp đồng.
e- Trong quá trình xếp, dỡ hàng, người vận chuyển phải hướng dẫn để bảo đảm an toàn phương tiện, hàng hoá trong quá trình vận chuyển.
3- Xử lý khi không có người nhận hàng.
Khi hàng hoá đã vận chuyển tới cảng đến mà không có người nhận hàng thì người vận chuyển thông báo cho người thuê vận chuyển biết. Trong thời hạn 48 giờ kể từ lúc nhận tin ( theo ngày giờ bưu điện ), người nhận hàng không đến thì người vận chuyển mời đại diện cơ quan chức trách làm chứng lập biên bản và tổ chức xếp, dỡ, bảo quản hàng hoá để giải phóng phương tiện, sau đó cứ 5 ngày người vận chuyển gửi thông báo cho người thuê vận chuyển 1 lần cho đến 15 ngày đối với hàng hoá dễ hỏng; cứ 20 ngày người vận chuyển thông báo cho người thuê vận chuyển 1 lần cho đến 60 ngày đối với hàng hoá thông thường.
Quá thời hạn qui định trên, người thuê vận chuyển không có ý kiến gì, người vận chuyển lập biên bản có sự chứng kiến của chính quyền địa phương, bán đấu giá số hàng hoá đó theo quy định của pháp luật về bán đấu giá tài sản. Tiền bán đấu giá hàng hoá, sau khi đã trừ các chi phí có liên quan, phần còn lại phải gửi vào “Tài khoản tiền quản lý, giữ hộ” tại ngân hàng nơi người vận chuyển mở tài khoản. Trong thời hạn 180 ngày kể từ ngày bán đấu giá hàng hoá , nếu người thuê vận chuyển hoặc người nhận hàng yêu cầu thì người vận chuyển trả số tiền còn lại đó cho người thuê vận chuyển hoặc người nhận hàng. Quá thời hạn nói trên mà không có người yêu cầu thì người vận chuyển phải nộp số tiền còn lại đó vào ngân sách nhà nước tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nới bán đấu giá hàng hoá .
4- Khi thay đổi người nhận hàng hoặc thay đổi địa điểm trả hàng thì hai bên thương lượng và lập phụ lục hợp đồng kèm theo.
Điều 7. Vận chuyển
1- Thời hạn vận chuyển được tính từ lúc người vận chuyển làm xong thủ tục rời cảng đi cho đến khi phương tiện làm xong thủ tục nhập cảng đến và thông báo cho người thuê vận chuyển biết.
Người vận chuyển có trách nhiệm đảm bảo đúng thời hạn vận chuyển mà hai bên đã thoả thuận trong hợp đồng; nếu không đảm bảo thời hạn đã thoả thuận mà không có lý do chính đáng thì người vận chuyển phải bồi thường thiệt hại cho người thuê vận chuyển.
2- Trong quá trình vận chuyển, nếu phương tiện phải dừng lại để các cơ quan có thẩm quyền kiểm tra thì căn cứ vào kết luận của cơ quan kiểm tra, bên có lỗi phải chịu mọi thiệt hại phát sinh. Trường hợp công chức, viên chức của cơ quan kiểm tra có lỗi khi kiểm tra thì cơ quan đó có trách nhiệm yêu cầu công chức, viên chức của mình phải bồi thường thiệt hại theo qui định của pháp luật.
3- Trường hợp cần thiết có người đi áp tải hàng hoá trên phương tiện, phải có sự thoả thuận của các bên ghi trong hợp đồng. Thuyền trưởng tạo điều kiện thuận lợi cho người đi áp tải thực hiện nhiệm vụ.
Điều 8. Xử lý các trường hợp xảy ra trong quá trình vận chuyển
1- Trong quá trình vận chuyển nếu thuyền viên phát hiện hàng hoá có khả năng tự bốc cháy hoặc rò rỉ, đổ vỡ thì người vận chuyển phải kịp thời tìm mọi biện pháp ngăn chặn để bảo vệ hàng hoá và phương tiện đồng thời lập biên bản có chứng nhận của chính quyền địa phương hoặc cảnh sát giao thông đường thuỷ và thông báo ngay cho người thuê vận chuyển biết.Các chi phí phát sinh, bên có lỗi chịu trách nhiệm thanh toán. Nếu cả hai bên đều không có lỗi thì chi phí và thiệt hại phát sinh hai bên cùng chịu trách nhiệm.
2- Trong quá trình vận chuyển gặp trường hợp bất khả kháng, nếu xét thấy không đảm bảo an toàn, thuyền trưởng có quyền thuê dỡ một phần hoặc toàn bộ hàng hoá lên bờ và tổ chức bảo quản hàng hoá( có xác nhận của chính quyền địa phương hoặc cảnh sát giao thông đường thuỷ), sau đó thông báo cho người thuê vận chuyển biết, mọi chi phí phát sinh hai bên cùng chịu trách nhiệm.
3- Trong quá trình vận chuyển, người vận chuyển phát hiện hàng hoá không đúng với chủng loại người thuê vận chuyển đã kê khai:
a- Nếu không phải là hàng nguy hiểm, hàng cấm lưu thông, người vận chuyển báo cho người thuê vận chuyển biết và tiếp tục vận chuyển đến nơi trả hàng, mọi chi phí phát sinh (nếu có) người thuê vận chuyển phải chịu.
b- Nếu là hàng nguy hiểm, hàng cấm lưu thông, người vận chuyển phải báo cho cơ quan chức năng để xử lý đồng thời báo cho người thuê vận chuyển biết. Người thuê vận chuyển ngoài việc chịu chi phí phát sinh, còn phải chịu tiền phạt bằng 3 lần tiền cước.
4- Trên đường đi phương tiện vận tải bị trưng dụng do lệnh của cơ quan có thẩm quyền thì thuyền trưởng thông báo cho người thuê vận chuyển biết. Nếu phương tiện bắt buộc phải vận chuyển loại hàng không phù hợp với phương tiện thì người vận chuyển được miễn trách nhiệm khi có thiệt hại xẩy ra, cơ quan trưng dụng thanh toán mọi chi phí và thiệt hại do việc trưng dụng gây ra.
5- Nghẽn đường dọc tuyến vận chuyển.
Nếu luồng vận chuyển bị ách tắc do trường hợp bất khả kháng mà phương tiện vận tải không thể đi tiếp được thì người vận chuyển phải báo ngay cho người thuê vận chuyển biết. Trong thời gian tối đa không quá 36 giờ kể từ lúc nhận tin ( theo ngày giờ bưu điện ) người thuê vận chuyển phải trả lời và cùng người vận chuyển bàn bạc tìm cách giải quyết:
a- Nếu hai bên thống nhất đưa phương tiện về địa điểm trả hàng gần nhất (thay đổi cảng đến) thì người vận chuyển được thu tiền cước quãng đường thực tế phương tiện đã đi;
b- Nếu hai bên cùng thống nhất đưa phương tiện quay trở lại cảng đi thì người vận chuyển chỉ được thu tiền cước đoạn đường đã đi ( không tính lượt về), người thuê vận chuyển chịu chi phí dỡ hàng lên bờ và chi phí chờ đợi ( nếu có );
c- Nếu chuyển tải qua chỗ ách tắc thì người thuê vận chuyển đảm nhận việc chuyển tải và chịu mọi chi phí, người vận chuyển được thu cước từ cảng đi đến chỗ ách tắc.
Sau 36 giờ kể từ lúc nhận tin ( theo ngày giờ bưu điện), nếu người thuê vận chuyển không trả lời thì coi như đã chấp nhận việc đậu phương tiện chờ đợi đến khi thông luồng và chịu mọi chi phí phát sinh. Người vận chuyển tìm vị trí an toàn neo đậu phương tiện để chờ thông luồng.
Điều 9. Hàng không đủ khối lượng và không đúng chủng loại như người thuê vận chuyển đã xác báo
1- Nếu hàng hoá không có hoặc không đủ khối lượng như đã xác báo thì người thuê vận chuyển phải thông báo cho người vận chuyển biết trước chậm nhất là 48 giờ kể từ ngày, giờ yêu cầu phương tiện đến nhận hàng. Nếu người thuê vận chuyển không báo hoặc báo trước ít hơn 48 giờ thì người thuê vận chuyển phải bồi thường mọi chi phí phát sinh cho người vận chuyển.
2- Người thuê vận chuyển có quyền thay đổi mặt hàng vận chuyển đã ghi trong hợp đồng nhưng phải thông báo cho người vận chuyển biết trước chậm nhất là 48 giờ kể từ ngày, giờ yêu cầu phương tiện đến nhận hàng, người vận chuyển không trả lời thì coi như chấp nhận. Nếu người thuê vận chuyển không báo hoặc báo trước ít hơn 48 giờ làm cho phương tiện đã đi đến nơi nhận hàng mà không vận chuyển được loại hàng đó thì người thuê vận chuyển phải bồi thường mọi chi phí liên quan cho người vận chuyển.
3- Nếu người vận chuyển không bố trí được phương tiện đúng chủng loại, trọng tải đã thoả thuận trong hợp đồng thì phải thông báo cho người thuê vận chuyển biết trước 48 giờ, kể từ thời điểm giao hàng ghi trong hợp đồng. Nếu người vận chuyển không thông báo hoặc không đến chở hàng thì phải bồi thường thiệt hại liên quan cho người thuê vận chuyển.
4- Người vận chuyển và người thuê vận chuyển có thể thoả thuận khác các qui định trên đây và được thể hiện cụ thể trong hợp đồng.
Điều 10. Thực hiện lệnh vận chuyển khẩn cấp
Trường hợp phải vận chuyển hàng hoá theo lệnh khẩn cấp của cơ quan có thẩm quyền thì người vận chuyển có trách nhiệm thi hành, không chậm quá 12 giờ kể từ giờ nhận lệnh. Cơ quan ký lệnh có trách nhiệm giải quyết kịp thời các vấn đề có liên quan đến việc thực hiện lệnh, kể cả chi phí cho người vận chuyển.
Chương 3
HỢP ĐỒNG THUÊ PHƯƠNG TIỆN ĐỂ KINH DOANH
Điều 11. Hợp đồng thuê phương tiện
Hợp đồng thuê phương tiện là hợp đồng được ký kết giữa người cho thuê phương tiện và người thuê phương tiện, sau đây gọi chung là các bên ký hợp đồng, theo đó người thuê phương tiện sử dụng phương tiện để kinh doanh vận chuyển hàng hoá trong một thời hạn hoặc một số chuyến nhất định. Giá thuê phương tiện do hai bên thoả thuận trong hợp đồng, nếu không có qui định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền .
Trường hợp người kinh doanh vận chuyển hàng hoá thuê phương tiện của nước ngoài, phải được Bộ Giao thông Vận tải chấp thuận.
Điều 12. Các hình thức thuê phương tiện
Có các hình thức thuê phương tiện sau đây:
1- Thuê phương tiện định hạn: Người cho thuê giao quyền sử dụng phương tiện cho người thuê cùng với kíp thuyền viên;
2- Thuê phương tiện trần: Người cho thuê giao quyền sử dụng phương tiện cho người thuê không cùng với kíp thuyền viên.
Điều 13. Nghĩa vụ của các bên ký kết hợp đồng
Các bên ký hợp đồng thuê phương tiện có nghĩa vụ sau:
1- Người cho thuê phương tiện:
a- Giao phương tiện cùng các giấy tờ hợp pháp của phương tiện cho bên thuê đúng thời gian, địa điểm, trạng thái kỹ thuật đã ghi trong hợp đồng;
b-Trường hợp cho thuê phương tiện định hạn, phải cung cấp kíp thuyền viên có bằng cấp phù hợp với loại phương tiện theo quy định, thực hiện việc quản lý lao động và hoàn toàn chịu trách nhiệm về các vấn đề liên quan đến kíp thuyền viên đó;
c-Trả tiền sửa chữa phương tiện nếu các tổn thất phát sinh ngoài trách nhiệm của người thuê phương tiện.
2- Người thuê phương tiện:
a- Sử dụng phương tiện đúng công dụng, mục đích đã thoả thuận trong hợp đồng;
b- Bảo dưỡng phương tiện và các trang thiết bị khác nếu không có thoả thuận khác trong hợp đồng;
c- Khi hết thời hạn thuê phương tiện, phải giao trả phương tiện đúng địa điểm, thời điểm và trạng thái kỹ thuật như đã thoả thuận.
Điều 14. Quyền của các bên ký kết hợp đồng
Các bên ký kết hợp đồng có quyền sau:
1- Người cho thuê phương tiện:
a- Trường hợp cho thuê phương tiện trần, có quyền cử người đại diện để kiểm tra bất thường việc chấp hành nghĩa vụ của người thuê phương tiện nhưng không gây ảnh hưởng đến việc kinh doanh của người thuê phương tiện;
b- Được quyền thu hồi phương tiện và chấm dứt hợp đồng nếu người thuê phương tiện vi phạm nghiêm trọng các điều khoản mà hai bên đã thoả thuận trong hợp đồng.
2- Người thuê phương tiện:
a- Được quyền sử dụng phương tiện và kíp thuyền viên để thực hiện các mục đích đã thoả thuận trong hợp đồng;
b- Trường hợp phương tiện bị trưng dụng do lệnh của cơ quan có thẩm quyền, phải báo cho người cho thuê phương tiện biết và được quyền đề nghị cơ quan ký lệnh trưng dụng phải sử dụng đúng công dụng phương tiện và thanh toán cước phí, phụ phí do việc trưng dụng gây ra.
Điều 15. Chấm dứt hợp đồng
1-Hai bên chấm dứt hợp đồng nếu phương tiện mất tích, chìm đắm, bị tịch thu hoặc hư hỏng không sửa chữa được, lỗi thuộc bên nào, bên đó chịu trách nhiệm bồi thường.
2- Hợp đồng thuê phương tiện đương nhiên chấm dứt nếu xảy ra chiến tranh, thiên tai không thể tiếp tục thực hiện được. Hai bên xác định thời hạn đã sử dụng phương tiện để thanh toán.
Chương 4
XẾP DỠ HÀNG HOÁ
Điều 16. Nghĩa vụ của người xếp dỡ và người thuê xếp dỡ
1- Nghĩa vụ của người xếp dỡ
a- Tổ chức xếp, dỡ để giải phóng phương tiện vận tải theo đúng thời hạn quy định như hợp đồng đã ký kết;
b- Nếu người xếp dỡ không xếp dỡ được hàng hoá như đã thoả thuận trong hợp đồng với người thuê xếp dỡ thì phải bồi thường cho người thuê xếp dỡ theo hợp đồng đã ký kết;
c- Đảm bảo an toàn hàng hoá, phương tiện trong quá trình xếp dỡ.
2- Nghĩa vụ của người thuê xếp dỡ.
a- Thông báo cho người xếp dỡ biết dự kiến thời điểm hàng đến cảng và xác báo số lượng hàng đi thẳng và lưu kho bãi. Khi người thuê xếp dỡ đã xác báo mà không có đại diện giao nhận hàng hoặc không có hàng thì người thuê xếp dỡ chịu mọi chi phí liên quan;
b- Cung cấp cho người xếp dỡ những tài liệu kỹ thuật, các hồ sơ cần thiết và những yêu cầu về an toàn của hàng hoá để chuẩn bị phương án xếp dỡ ;
c- Cử người đại diện giao nhận hàng kể từ lúc bắt đầu xếp, dỡ cho đến khi xếp, dỡ xong hàng và ký xác nhận hàng đã xếp, dỡ xong.
Chương 5
GIAO NHẬN VÀ BẢO QUẢN HÀNG HOÁ
Điều 17. Bao kiện và nhãn hiệu hàng hoá
1- Tất cả các loại hàng hoá đóng bao, hòm, kiện, thùng phải đảm bảo độ bền, thuận tiện trong việc vận chuyển, xếp dỡ.
2- Các loại bao, hòm, kiện, thùng phải ghi ký hiệu, mã hiệu, trọng lượng đầy đủ, chính xác, rõ ràng, không phai nhoè trong quá trình vận chuyển, xếp dỡ.
3- Đối với hàng container, số hiệu phải rõ ràng, còn nguyên niêm chì và vỏ container phải đảm bảo điều kiện kỹ thuật quy định.
4- Nếu hàng hoá có ký hiệu, mã hiệu không rõ ràng, đóng gói không đảm bảo độ bền thì người vận chuyển, người xếp dỡ có quyền từ chối nhận vận chuyển, xếp dỡ. Người thuê vận chuyển, thuê xếp dỡ phải chịu mọi chi phí liên quan.
Điều 18. Các phương thức giao nhận hàng hoá
Căn cứ theo Giấy vận chuyển, người vận chuyển và người nhận hàng giao nhận hàng hoá theo nguyên tắc: nhận hàng theo phương thức nào thì trả hàng theo phương thức đó. Một số phương thức giao nhận thông thường là:
1- Giao nhận theo số lượng, trọng lượng, thể tích, bằng phương pháp kiểm đếm, cân, đo. Việc kiểm đếm phải đảm bảo nguyên bao, nguyên thùng, nguyên kiện, nguyên bó. Nếu bao bì còn nguyên vẹn thì người vận chuyển không chịu trách nhiệm về trọng lượng và tình trạng hàng hoá ở bên trong.
2- Giao nhận theo nguyên hầm hàng thì sau khi giao hàng cho người vận chuyển, người thuê vận chuyển niêm phong, kẹp chì có sự chứng kiến của người vận chuyển. Khi trả hàng nếu niêm phong kẹp chì còn nguyên vẹn thì coi như người vận chuyển đã giao đủ hàng. Nếu niêm phong kẹp chì không còn nguyên vẹn người vận chuyển phải chịu trách nhiệm, trừ khi chứng minh được là không do lỗi của mình gây ra.
3- Giao nhận container theo niêm phong kẹp chì.
4- Giao nhận theo mớn nước phải có công cụ đo theo quy định. Phương tiện phải có sổ dung tích do cơ quan Đăng kiểm cấp.Việc đo mớn nước phương tiện phải thực hiện theo quy định hiện hành của Bộ Giao thông vận tải.
Khi giao nhận theo phương thức 2 và 3, nếu xảy ra sự cố trong quá trình vận chuyển mà niêm phong kẹp chì không còn nguyên vẹn thì người vận chuyển phải lập biên bản có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền và có trách nhiệm bảo quản hàng hoá.
Trường hợp phải ngừng việc xếp dỡ để giải quyết tranh chấp về giao nhận hàng hoá, bên có lỗi phải chịu các chi phí phát sinh.
Điều 19. Thực hiện giao nhận hàng hoá
1- Việc giao nhận hàng hoá được thực hiện qua mạn phương tiện hoặc tại cửa kho, bãi.
2- Trong cùng một chuyến vận chuyển, người vận chuyển và người thuê vận chuyển có thể thoả thuận giao nhận hàng hoá tại một hay nhiều cảng. Cước vận chuyển và các chi phí phát sinh do người vận chuyển và người thuê vận chuyển thoả thuận trong hợp đồng.
Điều 20. Hao hụt hàng hoá
Việc xác định tỷ lệ hao hụt hàng hoá phải tuân theo quy định hiện hành của nhà nước . Những loại hàng không có quy định của nhà nước thì hai bên thoả thuận trong hợp đồng, nếu không thoả thuận được thì người thuê vận chuyển phải cử người đi áp tải và người vận chuyển được miễn trách nhiệm.
Điều 21. Bảo quản hàng hoá trong quá trình vận chuyển
Người vận chuyển chịu trách nhiệm bảo quản hàng hoá trong suốt thời hạn vận chuyển. Nếu hàng hoá bị mất mát, hư hỏng, hao hụt quá mức quy định thì người vận chuyển phải bồi thường cho người thuê vận chuyển, trừ trường hợp người thuê vận chuyển có người áp tải hàng .
Điều 22. Bảo quản hàng hoá tại kho bãi cảng
1- Người thuê bảo quản hàng hoá chỉ được gửi hàng vào kho, bãi cảng sau khi đã ký hợp đồng thuê bảo quản hàng hoá.
2- Người thuê bảo quản hàng hoá tại kho, bãi cảng phải trả cước lưu kho, bãi theo thoả thuận giữa các bên trong hợp đồng.
3- Nếu hàng hoá gửi tại kho bãi cảng bị mất mát, hư hỏng trong thời hạn quy định của hợp đồng thì người nhận bảo quản phải bồi thường cho người thuê bảo quản theo giá thị trường tại thời điểm và địa điểm mất hàng.
4- Trường hợp hàng hoá trong kho, bãi đã quá thời hạn quy định trong hợp đồng bảo quản, nếu người nhận bảo quản hàng hoá muốn di chuyển, thu gom thì phải thông báo trước cho người thuê bảo quản. Trong thời hạn 15 ngày kể từ lúc nhận tin ( theo ngày giờ bưu điện), nếu người thuê bảo quản không trả lời thì người nhận bảo quản có quyền di chuyển, thu gom hàng hoá và người thuê bảo quản phải chịu mọi chi phí cho việc di chuyển, thu gom đó.
5- Người có hàng hoá cần bảo quản có thể thoả thuận thuê kho bãi của cảng để tự bảo quản hàng hoá của mình.
Điều 23. Xử lý hàng hoá bị hư hỏng hoặc quá hạn lưu kho, bãi
1- Khi phát hiện hàng hoá gửi tại kho, bãi cảng có hiện tượng hư hỏng thì người nhận bảo quản phải kịp thời tìm biện pháp xử lý, thông báo ngay cho người thuê bảo quản biết. Nếu sau 72 giờ kể từ lúc nhận tin (theo ngày giờ bưu điện) người thuê bảo quản không có ý kiến gì thì người bảo quản có quyền mời cơ quan có thẩm quyền đến lập biên bản và xử lý; người thuê bảo quản phải chịu mọi chi phí phát sinh.
2- Trong quá trình xếp dỡ, nếu bao bì bị rách,vỡ dưới tỷ lệ quy định trong hợp đồng thì người thuê xếp dỡ chịu trách nhiệm thu gom, đóng gói lại và chịu mọi chi phí phát sinh. Nếu phần rách vỡ quá tỉ lệ quy định trong hợp đồng thì bên nào có lỗi bên đó phải chịu chi phí phát sinh đối với phần quá tỷ lệ.
3- Nếu hàng hoá gưỉ ở kho, bãi cảng quá thời hạn quy định trong hợp đồng thì người nhận bảo quản xử lý như quy định tại khoản 3 Điều 6 của Thể lệ này.
Chương 6
CƯỚC, PHỤ PHÍ VÀ THANH TOÁN
Điều 24. Cước và phụ phí
Cước và phụ phí vận chuyển, xếp dỡ, giao nhận, bảo quản hàng hoá phải căn cứ vào khung giá hiện hành của nhà nước; trường hợp chưa có khung giá, các bên thoả thuận và ghi vào hợp đồng.
Điều 25. Phương thức và thời hạn thanh toán
1- Phương thức thanh toán: Căn cứ vào quy định của Nhà nước, các bên chọn phương thức thanh toán thích hợp và ghi vào hợp đồng.
2- Thời hạn thanh toán:
a- Người thuê vận chuyển trả trước ít nhất 50% tiền cước và phụ phí vận chuyển cho người vận chuyển sau khi người vận chuyển đã tiếp nhận xong hàng. và phải thanh toán toàn bộ ngay sau khi người vận chuyển đã trả xong hàng;
b- Người thuê xếp dỡ trả trước ít nhất 50% cước, phụ phí xếp, dỡ cho người xếp dỡ. Sau khi đã xếp, dỡ xong hàng hoá, người thuê xếp dỡ phải thanh toán toàn bộ tiền cước, phụ phí và các chi phí phát sinh khác;
c- Người thuê bảo quản hàng hoá phải trả trước ít nhất 50% tiền thuê kho, bãi, bảo quản hàng hoá khi hàng đã đưa hết vào kho, bãi cảng. Khi rút hết hàng khỏi kho, bãi cảng, người thuê bảo quản phải trả toàn bộ tiền thuê kho, bãi và bảo quản hàng hoá;
d- Nếu người thuê vận chuyển, xếp dỡ, bảo quản hàng hoá thanh toán chậm trễ so với thời hạn quy định tại các điểm a,b,c của khoản này thì phải trả lãi số tiền thanh toán chậm tính theo lãi suất quy định của Ngân hàng nhà nước Việt Nam tại thời điểm thanh toán;
e- Người vận chuyển, xếp dỡ, bảo quản hàng hoá và người thuê vận chuyển,thuê xếp dỡ, thuê bảo quản có thể thoả thuận khác các quy định trên đây nhưng phải được thể hiện cụ thể trong hợp đồng.
Chương 7
BỒI THƯỜNG, THƯỞNG PHẠT THANH LÝ HỢP ĐỒNG VÀ KHIẾU NẠI
Điều 26. Bồi thường
1-Trong quá trình vận chuyển, xếp dỡ, giao nhận và bảo quản hàng hoá nếu một bên vi phạm hợp đồng thì phải bồi thường thiệt hại do việc vi phạm hợp đồng gây ra cho bên kia. Hàng hoá bị mất mát, hư hỏng, hao hụt quá tỷ lệ phải bồi thường theo giá thị trường tại thời điểm và địa điểm trả hàng.
Hàng hoá bị hư hỏng, mất mát một phần thì bồi thường phần bị hư hỏng mất mát đó.Trường hợp phần hư hỏng, mất mát dẫn đến không sử dụng được toàn bộ hàng hoá thì phải bồi thường toàn bộ hàng hoá. Bên bị bồi thường được quyền sử dụng số hàng hoá đó.
2- Các bên được miễn bồi thường trong các trường hợp sau:
a- Do bất khả kháng;
b- Phương tiện, thiết bị, nhân lực làm nhiệm vụ cứu nạn hoặc bị trưng dụng làm việc khác.
3- Các biên bản tranh chấp bồi thường.
Trong quá trình vận chuyển, xếp dỡ, giao nhận và bảo quản hàng hoá nếu xẩy ra các vụ việc có ảnh hưởng đến lợi ích của các bên thì nhất thiết phải lập biên bản tại chỗ. Nội dung của biên bản phải nêu rõ thời gian, địa điểm, nguyên nhân, hiện tượng khách quan, chủ quan của vụ việc xảy ra tại hiện trường để làm cơ sở giải quyết tranh chấp.
Biên bản lập xong phải giao cho các bên liên quan mỗi bên một bản.
Điều 27. Thưởng, phạt.
Các bên có thể thoả thuận trong hợp đồng để thưởng do thực hiện hợp đồng mang lại hiệu quả kinh tế cao hoặc quy định mức phạt do vi phạm hợp đồng.
Điều 28. Khiếu nại
Nếu có thiệt hại xảy ra, bên bị thiệt hại phải gửi yêu cầu bồi thường cho bên gây thiệt hại trong vòng 30 ngày kể từ ngày đã giao nhận xong hàng hoá. Sau thời hạn 30 ngày nói trên mọi yêu cầu bồi thường đều không có giá trị. Trong vòng 15 ngày kể từ ngày nhận yêu cầu bồi thường ( theo ngày giờ bưu điện) bên gây thiệt hại phải trả lơì cho bên bị thiệt hại về việc chấp nhận hay không chấp nhận yêu cầu bồi thường.
Trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày bên bị thiệt hại gửi yêu cầu bồi thường hai bên phải thương lượng giải quyết xong. Nếu hai bên không tự thoả thuận được thì bên bị thiệt hại có thể gửi đơn yêu cầu trọng tài kinh tế hoặc toà án kinh tế để giải quyết tranh chấp theo quy định của pháp luật.
Giá trị bồi thường thiệt hại được tính theo giá thị trường tại thời điểm và địa điểm xảy ra sự việc. Nếu việc trả tiền bồi thường bị chậm trễ thì bên bồi thường phải trả lãi phần trả chậm tính theo lãi suất do Ngân hàng nhà nước Việt Nam quy định.